Cửa hàng tiện lợi: Tăng cường quản lý song cần quy định rõ hơn để tránh hiểu nhầm

135

Việc đưa ra các quy định về hạ tầng thương mại, trong đó có cửa hàng tiện lợi là cần thiết, hỗ trợ kinh doanh nhưng cần làm rõ bản chất, để tránh hiểu nhầm. Luật sư Trần Lan Phương – Công ty Luật TNHH Đa Phương đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về quản lý, phát triển cửa hàng tiện lợi.

các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đang phát triển khá mạnh
Chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đang phát triển khá mạnh

So với siêu thị, cửa hàng tạp hoá, theo bà đặc điểm và tính ưu việt của cửa hàng tiện lợi là gì?

Cửa hàng tiện lợi là cơ sở bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng nhanh, bao gồm thực phẩm, đồ uống, các sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác phục vụ tiêu dùng hàng ngày; đồng thời có thể kết hợp với một số dịch vụ rất thuận tiện cho người tiêu dùng như bán thẻ điện thoại; các cửa hàng tiện lợi phần lớn đều mở cửa 24/24h, đáp ứng hầu hết nhu cầu mua sắm của khách hàng dù vào thời điểm nào trong ngày.

Cửa hàng tiện lợi về mặt hình thức kinh doanh khá giống với mô hình tạp hóa truyền thống nhưng ở mức cao hơn, tiện lợi và áp dụng nhiều thiết bị hiện đại hơn. Về bản chất chúng ta hiểu đúng về cụm từ cửa hàng tiện lợi chính là địa chỉ bán hàng đảm nhiệm được yếu tố thực sự tiện và lợi.

Theo thống kê của Nielsen Việt Nam, 34% người tiêu dùng thường xuyên mua sắm tại đại siêu thị và 29% tại siêu thị. Trong khi đó 22% người tiêu dùng lại chọn mua hàng tại cửa hàng tiện ích và siêu thị mini.

Để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bà đánh giá như thế nào về quy định pháp lý đối với mô hình này?

Cho đến nay, theo tôi các quy định pháp lý đối với cửa hàng tiện lợi đã khá đầy đủ. Trong đó, bao gồm các quy định thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc thành lập công ty.

Ngoài ra doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện về giấy phép con để hoạt động trong chuỗi kinh doanh cửa hàng tiện lợi, như: giấy phép đối với an toàn thực phẩm; phòng cháy chữa cháy, giấy phép bán lẻ rượu, thuốc lá (nếu có).

Với hướng dẫn cụ thể về yêu cầu thành lập như trên chúng ta cũng thấy rõ, cửa hàng tiện lợi là phương án kinh doanh của chủ cửa hàng, là loại hình hộ kinh doanh hoặc công ty chịu sự điều tiết của Luật Doanh nghiệp hoặc cụ thể hơn là theo quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NQ-CP quy định về hộ kinh doanh.

Về các quy định với mỗi giấy phép con có nghĩa chủ thể kinh doanh sẽ phải chịu sự quản lý của các đơn vị chủ quản, quản lý thị trường, phòng cháy chữa cháy, cơ quan thuế…

Hiện tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đang phát triển khá mạnh. Nếu như trước đây chủ yếu là các của hàng hoặc nhóm cửa hàng đơn lẻ thì nay đã hình thành các chuỗi cửa hàng của các thương hiệu như Vinmart+ và giờ là cả hàng loạt chuỗi Circle K, GS25, Family Mart, 7 Eleven…

Việc phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích một mặt góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, theo hướng văn minh hiện đại, song theo quan điểm cá nhân tôi, để tránh trình trạng phát triển nóng, không quy hoạch cần phải có sự quản lý chặt chẽ, định hướng từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên việc quản lý hành chính bằng mệnh lệnh áp đặt hay các phương án quản lý không khả thi thì lại không khác gì bắt cóc bỏ đĩa.

Dự thảo Thông tư về hạ tầng thương mại đang được lấy ý kiến rộng rãi. Bà có ý kiến gì về Thông tư này?

Khi đọc Dự thảo Thông tư về hạ tầng thương mại của Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương được công bố và lấy ý kiến, cá nhân tôi cho rằng Bộ Công Thương đang rất nỗ lực để làm tốt công tác quy hoạch tổng thể cho bài toán quản lý chung về hạ tầng thương mại phù hợp với thực tiễn, yêu cầu trong tình hình mới. Đặc biệt, Bộ Công Thương đang tập trung hướng tới mục tiêu phát triển nhanh những hạ tầng thương mại theo định hướng hiện đại có siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…

Với quan điểm khi xây dựng dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương là không phát sinh thủ tục hành chính, điền kiện đầu tư, kinh doanh chúng tôi đánh giá rất tích cực, thể hiện tinh thần vì người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số yếu tố, quy định mà dự thảo đưa ra có thể chưa rõ ràng nên đang gây hiểu nhầm cho công chúng.

Ví dụ, đối với cửa hàng tiện lợi, quy định “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m” theo dư luận đang hiểu rằng ngoài 500m là không được bán. Nhưng tôi cho rằng ý đồ của Bộ Công Thương chính là quy hoạch giãn rộng bớt, ví dụ như không để trong 500m có chục cửa hàng tiện lợi trong khi cách đó vài km lại không có cửa hàng nào.

Riêng với Quy định “cửa hàng tiện lợi kinh doanh 3.000 tên mặt hàng” thiết nghĩ cần tính toán, cân nhắc thêm để đưa ra quy định phù hợp hơn, bởi thực tế khu vực nơi cửa hàng tiện lợi tọa lạc sẽ có một số nhóm hàng được người tiêu dùng ưa chuộng, bán với doanh số tốt. Do đó, tùy vào nhu cầu của người tiêu dùng mà cửa hàng tiện lợi sẽ quyết định nhập mặt hàng nào vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng vừa mang lại doanh số tốt có thể nhiều hơn có thể ít hơn 3.000 rất nhiều.

Hay nội dung “cửa hàng được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân” cũng cần quy định cụ thể, chi tiết hơn và rõ ràng hơn, tránh để dư luận hiểu sai và thắc mắc rằng liệu nhân viên hỗ trợ khách lấy đồ thì vi phạm/ hay đây cơ bản cũng chỉ định hướng? vậy hoạt động đúng định hướng thì sao mà không đúng thì như thế nào?

Xin cảm ơn bà!

Hoa Quỳnh (thực hiện)

Nguồn: Báo Công thương