Tăng lương tối thiểu vùng: Hỗ trợ giảm áp lực cho doanh nghiệp

    145

    Sau khi chống chịu tác động từ dịch Covid-19, điều chỉnh lương tối thiểu vùng là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động, song sẽ có ảnh hưởng nhất định tới sự phục hồi của doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ để tiếp sức, giảm áp lực cho doanh nghiệp…

    Luật sư Trần Lan Phương, Công ty Luật TNHH Đa Phương đã có cuộc chia sẻ với Báo Công Thương về đề xuất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

    việc tăng lương không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn là động lực giúp tăng năng suất lao động
    Điều chỉnh lương tối thiểu vùng không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn là động lực giúp tăng năng suất lao động

    Vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định. Theo bà, đề xuất này sẽ có tác động như thế nào đến doanh nghiệp?

    Căn cứ theo Điều 5 Nghị định số 157/2018/ NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.

    Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

    Người lao động hưởng lương tháng hay lương khi ngừng việc đều được tăng khi lương tối thiểu vùng tăng. Theo đó, đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thì việc tăng lương tối thiểu vùng không có sự tác động lớn đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, số lượng lao động đông đảo, thì việc tăng chi phí trả lương cho lương tối thiểu vùng có tác động rất lớn và không phải là con số nhỏ.

    Bời hiện, nhiều doanh nghiệp căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng để xác định lương cơ bản – mức lương thấp nhất khi người lao động bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp thường căn cứ trên lương tối thiểu vùng sau đó tăng lên từ 5-7% để xác định tiền lương cơ bản của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng làm cho doanh nghiệp phát sinh chi phí trả lương tăng lên.

    Bên cạnh đó, trong chi phí đóng bảo hiểm cho người lao động, số tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra cao hơn nhiều so với số tiền người lao động phải đóng. Cụ thể, doanh nghiệp phải đóng vào quỹ BHXH 17%, quỹ BHYT 3%, quỹ BH thất nghiệp (BHTN) 1%, quỹ BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) 0,5%. Con số này tương ứng ở người lao động là 8%; 1,5% và 1%.

    Còn theo Quyết định 595/QĐ-BHXH về việc ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, mức đóng bảo hiểm của người lao động và người sử dụng lao động được thực hiện theo tỷ lệ: Tỷ lệ trích lương của người lao động là 10,5 %. Tỷ lệ trích vào chi phí của người sử dụng lao động là 21,5 %. Còn theo Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP về quy định tài chính công đoàn, mức đóng phí công đoàn của các doanh nghiệp bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.

    Như vậy, khi tăng lương đồng nghĩa với việc tăng tiền đóng bảo hiểm, phí công đoàn nếu doanh nghiệp không muốn bị xử phạt. Mặt khác, việc tăng lương tối thiểu vùng, các khoản chi phí cho lương, bảo hiểm, phí công đoàn… của doanh nghiệp cũng sẽ đều tăng.

    Vậy với đề xuất lộ trình áp dụng tăng lương tối thiểu trong năm 2022 và 2023 có phù hợp với “sức khỏe” của doanh nghiệp hiện nay?

    Chúng ta đều thấy, đời sống của người lao động sau đại dịch tiếp tục khó khăn, một bộ phận khó khăn gay gắt, không thể trở lại doanh nghiệp hoặc lựa chọn rút BHXHmột lần.

    Trong bối cảnh đó, cả trách nhiệm pháp lý và đạo lý, các doanh nghiệp rất cần bù đắp tiền lương, thu nhập để đảm bảo đời sống cho người lao động.

    Mặt khác, việc tăng lương không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn là động lực giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, là tiền đề gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.

    Về phía cộng đồng doanh nghiệp, họ cũng đang gượng dậy sau đại dịch, vì thế nếu phải vác tải trọng lớn sẽ thật khó khăn để hồi phục. Vì thế, để hạn chế áp lực cho doanh nghiệp, cần thiết phải tính toán kỹ lộ trình điều chỉnh phù hợp.

    Hiện, kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp là lùi thời hạn áp dụng sau 1/1/2023, còn nếu áp dụng ngay từ 1/7/2022 e rằng sẽ tăng một số khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, các chỉ số tăng trưởng; kế hoạch kinh doanh đã được chốt từ đầu năm, nếu tăng lương vào thời diểm 1/7/2022 nghĩa là doanh nghiệp phải điều chỉnh lại toàn bộ kế hoạch chi phí, quỹ lương .

    Nền kinh tế đang dồn lực để phục hồi sau đại dịch Covid-19, nên điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng cần phải hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Bà ý kiến gì về điều này?

    Hiện tại nhà nước đang gia hạn hoặc miễn, giảm các loại thuế, phí, thuế thu nhập doanh nghiệp; chi phí đóng BHXH hàng tháng cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp từ các ngân hàng chính sách để trả lương cho người lao động, thực hiện các nghĩa vụ trích nộp các loại thuế, chi phí cho Nhà nước….

    Vì vậy, mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2022 nếu thống nhất tăng 6% vẫn nằm trong khả năng “chịu được” của doanh nghiệp nếu có được thêm sự hỗ trợ, tiếp sức từ Nhà nước, Chính phủ bằng các chính sách.

    Cụ thể rất cần sự điều tiết các chính sách về thuế, phí và BHXH. Đây cũng là các biện pháp, chính sách nhân văn để tiếp sức, hỗ trợ cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể thực hiện ngay việc điều chỉnh, tăng mức tiền lương tối thiểu vùng cho hàng triệu công nhân, người lao động sau hơn 2 năm đại dịch.

    Theo đó, cần tiếp tục duy trì và kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như miễn 1% chi phí đóng BH thất nghiệp cho doanh nghiệp hay 0,5 % chi phí đóng BH tai nạn cho người lao động của doanh nghiệp đến hết năm 2022 hoặc có thể kéo dài đến hết tháng 6/2023.

    Xin cảm ơn bà!

    Hoa Quỳnh (thực hiện)

    Nguồn: Báo Công thương