Vi phạm giao thông hơn 1 năm trước, giờ có cần phải nộp phạt nguội?

36

Hai tình huống khi vi phạm giao thông hơn 1 năm vẫn chưa nộp phạt

Liên hệ tới Báo Giao thông, bạn đọc Trần Văn Quốc (Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết: Cuối tháng 4 vừa qua, khi đưa xe ô tô đi đăng kiểm thì phát hiện bị một lỗi phạt nguội vượt đèn đỏ từ tháng 3/2022.

“Đến nay thì lỗi này đã vi phạm hơn 1 năm, tôi được biết, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là trong vòng một năm. Vậy bây giờ tôi có được tự động xoá lỗi phạt nguội vì đã hết thời hiệu xử lý vi phạm không?”, bạn Quốc hỏi.

Bị phạt nguội giao thông mà trốn tránh không nộp phạt thì người vi phạm phải trả thêm tiền lãi

Về nội dung này, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) cho biết, phạt nguội trong giao thông là cách gọi của người dân đối với những lỗi vi phạm giao thông được phát hiện bằng các phương tiện điện tử, thiết bị giám sát hành trình và cơ quan CSGT không phát hiện, không dừng xe ngay khi chủ phương tiện có hành vi vi phạm.

Theo điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm tính từ thời điểm hành vi vi phạm hành chính kết thúc.

Trong thời hạn này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Với câu hỏi của bạn, cần chia ra thành hai trường hợp:

Thứ nhất: CSGT chưa lập biên bản, chưa ban hành quyết định xử phạt, thì cần xem xét nếu lỗi chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với bạn thuộc về cơ quan chức năng thì cơ quan CSGT không xử phạt bạn được nữa do đã hết thời hiệu.

Vi phạm giao thông hơn 1 năm trước, giờ có cần phải nộp phạt nguội? 2

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty luật Pháp trị)

Thứ hai: Cơ quan CSGT đã lập biên bản, đã ban hành quyết định xử phạt, đã gửi cho bạn, nhưng bạn không nộp phạt.

Lúc này, việc chưa nộp phạt nguội là hành vi cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt của người vi phạm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Điều này đồng nghĩa với việc khi bạn đưa xe đi đăng kiểm, thì cơ quan đăng kiểm sẽ báo với cơ quan CSGT để tiến hành việc xử phạt vi phạm hành chính với bạn.

Trốn tránh, trì hoãn nộp phạt vi phạm sẽ phải nộp thêm tiền lãi

Theo luật sư Lực, dù Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm tính từ thời điểm hành vi vi phạm hành chính kết thúc, nhưng nếu người vi phạm cố ý trốn tránh, trì hoãn nộp phạt thì lỗi phạt nguội đó sẽ không tự động xóa.

“Như vậy, trường hợp này bạn Quốc phải chứng minh được bản thân không có hành vi trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định và được chấp thuận thì sẽ đóng phạt theo mức phạt trong quyết định phạt nguội ban đầu”, luật sư Lực cho hay.

Còn nếu bạn Quốc có hành vi trốn tránh, trì hoãn việc nộp phạt thì khi đi đăng kiểm xe, sẽ phải đóng tiền phạt và thêm một khoản tiền chậm nộp phạt.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 5, Thông tư 153/2013 của Bộ Tài chính quy định quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

“Nếu người vi phạm thuộc trường hợp được phép đóng phạt nhiều lần (mức phạt trên 15 triệu đối với cá nhân, có khó khăn về kinh tế được UBND cấp xã xác nhận) thì sẽ được nộp phạt trong thời hạn 6 tháng”, luật sư Lực cho biết thêm.



Ngồn tin