Văn bản pháp luật mới có hiệu lực từ tháng 5/2022

143

1. Điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vay vốn 2%/năm

Ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nghị định 31/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 20/5/2022.

Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh muốn hưởng chế độ ưu đãi lãi suất 2%/năm phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Phải thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Điều 2 Nghị định 31/2022/NĐ-CP (gọi chung là khách hàng);

– Khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

– Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2023;

– Khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 31/2022/NĐ-CP và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

– Khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong các trường hợp sau:

+ Khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả không được hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ nằm trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khoản vay chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi tiếp theo sau khi khách hàng đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.

+ Khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ.

2. Quy định mới về áp dụng án treo

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP sửa đổi Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo, có hiệu lực từ ngày 10/5/2022.

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:

Người bị xử phạt tù có nhân thân tốt là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

– Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;

– Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;

– Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.